(Xây dựng) - Chính sách thuế, phí đối với VLXD phải bám sát với yêu cầu thực tiễn để đảm bảo phát triển VLXD bền vững - yêu cầu tất yếu đối với mỗi quốc gia trên toàn cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.
Chính sách thuế đã thực sự có hiệu quả?
Những năm qua, Chính phủ đã có chính sách ưu đãi về thuế, phí đối với các mặt hàng là VLXD quy định tại các Luật thuế và các văn bản hướng dẫn. Đối với dự án chế tạo thiết bị sản xuất VLXD không nung nhẹ và sản xuất gạch xi măng - cốt liệu công suất từ 7 triệu viên quy chuẩn/năm trở lên, sản xuất vật liệu composite, các loại VLXD nhẹ, vật liệu quý hiếm… được áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế thu nhập DN phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Đối với thu nhập của DN thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực sản xuất thép cao cấp được áp dụng thuế suất ưu đãi 20% trong 10 năm, miễn thuế 2 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo. Trường hợp dự án sản xuất vật liệu thay thế vật liệu amiăng thuộc Danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm quốc gia theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giảm 50% số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Tuy nhiên, tác động của chính sách này tới đâu, đã có bao nhiêu dự án, DN được hưởng lợi từ chính sách này thì cần có một con số thống kê cụ thể làm minh chứng cho hiệu quả thực sự mà chính sách thuế, phí mang lại.
Đề xuất VAT bằng 0
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, chính sách thuế, phí phải có tác động trực tiếp và hiệu quả thiết thực sâu rộng, sát với thực tiễn nhằm khuyến khích chủ đầu tư, DN tham gia vào hoạt động xử lý chất thải làm nguyên liệu sản xuất VLXD, góp phần quan trọng đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Ông Kiều Văn Mát - Chủ tịch HĐQT Cty CP Sông Đà Cao Cường đề xuất giải pháp giảm thuế VAT xuống bằng 0 đối với các DN sản xuất VLXD từ chất thải của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất, xỉ lò cao. Đối với phí bảo vệ môi trường, cần tăng thuế khai thác tài nguyên, khoáng sản lên ít nhất là gấp hai gấp ba lần so với hiện nay vì hoạt động khai thác tài nguyên ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên lâu dài phát triển bền vững. Hiện nay, các nước trong khu vực như Trung Quốc hay ASEAN đều đưa thuế VAT về bằng 0 để khuyến khích DN xử lý chất thải, tập trung vào phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo môi trường.
Tham gia điều tiết thị trường
Cũng trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, một trong những hoạt động mang tính cốt lõi đảm bảo định hướng phát triển sản xuất VLXD bền vững là hướng tới giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên (đá, đất sét, cát, sỏi lòng sông làm VLXD), thay vào đó là chính sách khuyến khích gia tăng sử dụng chất thải công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất VLXD (xi măng, gạch xây hay chôn lấp...).
Như vậy, yêu cầu đặt ra đối với chính sách thuế, phí với VLXD không chỉ đáp ứng yêu cầu khuyến khích phát triển VLXD có nguồn nguyên liệu đầu vào từ chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt, mà còn góp phần đáng kể vào việc điều tiết phát triển thị trường VLXD.
Ví dụ, Chính phủ đang khuyến khích đầu tư, phát triển gạch không nung thì chính sách thuế, phí đối với VLXD cũng phải đồng hành với chủ trương của Chính phủ. Trong trường hợp này, chính sách thuế, phí phải nhằm hạn chế phát triển gạch đất sét nung hoặc ít ra cũng phải đảm bảo sự công bằng giữa hai loại gạch này.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Giám đốc Cty Gạch ống không nung Ngôi Sao Bình Dương đề xuất cách tính thuế, phí phải có cơ sở. Theo ông Nguyễn Chí Dũng, muốn nấu chín gạch đất nung phải sử dụng than đá. Khi đốt 1kg than đá sẽ thải ra môi trường khoảng 3,33 - 3,75 kg CO2. Giá bán tín chỉ phát thải CER hiện nay khỏng 20EUR/CER (1 CER tương đương 1 tấn khí thải). Một viên gạch tuynel cần khoảng 0,15kg than đá nghiền, tương đương 250 đồng chi phí phát thải.
Điều này cũng có nghĩa là sản xuất 1 viên gạch đất nung phải tốn 250 đồng chi phí xử lý môi trường cho phát thải khí. Bên cạnh đó, giá tính thuế tài nguyên cho 1m3 đất làm gạch tại Bình Dương là 120.000 đồng, trong đó 1m3 đất làm được 800 viên gạch 4 lỗ. Như vậy, thuế tài nguyên trên 1 viên gạch đất nung là 22,5 đồng. Tổng cộng thuế tính cho 1 viên gạch là 272,5 đồng.
Ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng, với mức giá hiện tại là 850 đ/viên gạch đất nung 4 lỗ tại nhà máy, cộng thêm thuế 272,5 đồng, thì giá bán ra thị trường sẽ là 1.122,5 đ/viên. Và nếu Bộ Tài chính áp mức giá như vậy, thì gạch không nung có khả năng cạnh tranh công bằng với gạch đất nung.
Trong văn bản mới đây gửi Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung chính sách thuế ưu đãi cho DN sử dụng vật tư thiết bị trong nước để chế tạo thiết bị sản xuất VLXD không nung nhẹ và sản xuất gạch bê tông công suất từ 10 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm trở lên, DN sản xuất VLXD sử dụng nguyên liệu, năng lượng từ việc xử lý chât thải, DN sản xuất VLXD thay thế vật liệu tự nhiên, dự án sản xuất VLXD có tính năng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường vượt trội so với chủng loại VLXD cùng loại, xây dựng lộ trình tăng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác cát tự nhiên làm VLXD.