banner logo new

slogan1 new

hinh_san_pham_slide_2 slideshowimage hinh 1 hinh 2 hinh 3 hinh 4 hinh 5 hinh 6 HINH 7 hinh 8 hinh 9 hinh a hinh b hinh 10

Sắp ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 09/2012/TT-BXD

Sắp ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 09/2012/TT-BXD

(Xây dựng) - Đây là thông tin được Vụ trưởng Vụ VLXD Phạm Văn Bắc chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Xây dựng về việc nghiên cứu soạn thảo, ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 09/2012/TT-BXD (Thông tư 09) quy định sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) trong các công trình xây dựng.


Vụ trưởng Vụ VLXD- Bộ Xây dựng Phạm Văn Bắc.

PV: Thưa ông, sau gần 5 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Thông tư 09 đã bộc lộ những hạn chế như thế nào?

Vụ trưởng Phạm Văn Bắc: Thông tư 09 được Bộ Xây dựng ban hành trong bối cảnh mới đưa vào sử dụng VLXKN, chưa nghiên cứu được điều kiện cụ thể của từng vùng miền. Trong khi đó, trên thực tế, có những vùng miền có điều kiện phát triển VLXKN tốt, ngược lại có những vùng miền điều kiện không thuận lợi. Nên khi Thông tư 09 quy định nhất loạt trong phạm vi toàn quốc thì tính khả thi không cao.

Hơn nữa, thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, việc khuyến khích phát triển VLXKN chưa mạnh. Do đó cần sửa đổi Thông tư 09 cho phù hợp với điều kiện thực tế và nhằm khuyến khích phát triển VLXKN mạnh hơn nữa.

PV: Vậy trong thông tư sửa đổi lần này có những điểm mới nào, thưa ông?

Vụ trưởng Phạm Văn Bắc: Trong dự thảo thông tư sửa đổi lần này có một số điểm mới. Thứ nhất, thông tư sửa đổi sẽ quy định cụ thể tỷ lệ sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng theo tùy từng vùng miền trong phạm vi toàn quốc. Về tổng thể, tỷ lệ sử dụng VLXKN có một số khu vực có giảm đi so với quy định tại Thông tư 09.

Thứ hai, Thông tư sửa đổi quy định việc sử dụng VLXKN đối với tất cả các công trình xây dựng, bao gồm cả công trình vốn nhà nước cũng như công trình vốn ngoài ngân sách.

Thứ ba, trước đây Thông tư 09 không quy định chế độ báo cáo đối với cơ sở sử dụng VLXD nên trong quá trình thẩm tra, kiểm soát, không rõ được tình trạng sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng trên địa bàn như thế nào. Thông tư sửa đổi quy định đối với công trình sử dụng VLXKN phải báo cáo số liệu cho cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương theo định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm. Trên cơ sở đó, địa phương sẽ tập hợp và báo cáo Bộ Xây dựng.

Một điểm khác nữa là thông tư sửa đổi quy định cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và Bộ Xây dựng định kỳ thanh tra, kiểm tra. Việc xử lý các vi phạm được đề xuất theo quy định của Nghị định 121/2014/NĐ-CP (xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng). Hiện Bộ Xây dựng đã nghiên cứu hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 121/2014/NĐ-CP, trong đó đề xuất các mức xử phạt gấp 1,5 – 2 lần so với mức hiện hành. Dự thảo đang trình Chính phủ ban hành.

Ngoài ra, Thông tư sửa đổi cũng quy định cụ thể hơn đối với nhà cao tầng. Theo đó, các công trình cao tầng phải sử dụng VLXKN loại nhẹ. Tỷ lệ sử dụng VLXKN nhẹ có tăng lên nhưng không phải ở mức độ tối đa 100% như trước đây mà cao nhất chỉ lên đến 90%.

Tôi tin rằng, với các quy định cụ thể hơn, thiết thực hơn, phù hợp hơn với điều kiện từng vùng, khi được ban hành, thông tư sửa đổi sẽ tốt hơn, có tính khả thi cao hơn.

PV: Theo phản ánh từ thực tế, một trong những lý do khiến việc sử dụng VLXKN còn hạn chế là do hệ thống tiêu chuẩn, định mức chưa hoàn thiện. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Vụ trưởng Phạm Văn Bắc: Hiện Bộ Xây dựng đã giao cho Viện Kinh tế Xây dựng soát xét định mức sử dụng VLXKN. Trước đây, định mức đối với gạch bê tông nhẹ có rồi, nay sẽ soát xét những điểm chưa phù hợp, điều chỉnh lại cho phù hợp.

Đối với gạch xi măng cốt liệu, trước kia định mức tính theo khối xây bình thường, bây giờ sẽ xây dựng ban hành định mức riêng. Dự kiến cuối năm 2017, hệ thống định mức sẽ được nghiên cứu hoàn thiện và ban hành.

Các hướng dẫn thi công và nghiệm thu, tiêu chuẩn thiết kế, trước đây đã có, nay cũng được soát xét lại với cả 3 dòng sản phẩm gạch không nung, gồm gạch bê tông (xi măng cốt liệu), gạch bê tông nhẹ, gạch bê tông bọt. Theo lộ trình, các hướng dẫn thi công và nghiệm thu, tiêu chuẩn thiết kế sẽ được ban hành trong tháng 9/2017.

Trước đây chưa có tiêu chuẩn thiết kế cho gạch bê tông nhẹ thì nay Bộ cũng đã giao cho Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng nghiên cứu hoàn thiện.

Về tiêu chuẩn sản phẩm, đến năm 2017, Bộ đã soát xét và ban hành tiêu chuẩn gạch bê tông. Đối với 2 sản phẩm VLXKN còn lại là bê tông bọt và bê tông nhẹ (gồm bê tông khí chưng áp và không chưng áp), Bộ cũng đang soát xét tiêu chuẩn sẩn phẩm và sẽ ban hành theo lộ trình.


Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung và ban hành hệ thống tiêu chuẩn, định mức cho VLXKN.

PV: Với quy định công trình xây dựng cao tầng phải sử dụng VLXKN loại nhẹ lên đến 90%, liệu các cơ sở sản xuất có đáp ứng được số lượng sản phẩm?

Vụ trưởng Phạm Văn Bắc: Tôi cho rằng các cơ sở sản xuất VLXKN đáp ứng được vì hiện nay mức độ tăng trưởng của quá trình đầu tư xây dựng tương đối lớn, cho nên các doanh nghiệp cũng đầu tư tăng thêm cơ sở sản xuất VLXKN.

Hơn nữa, trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp cũng dần hoàn thiện về công nghệ, quy trình sản xuất và các yếu tố tạo lên chất lượng sản phẩm, giúp chất lượng VLXKN tốt hơn, giá thành rẻ hơn. Dần dần VLXKN sẽ chiếm lĩnh được thị trường. Một yếu tố rất quan trọng nữa là cần phải giảm tỷ lệ gạch đất sét nung đi, khi đó sẽ tạo ra thị trường cho thị trường VLXKN.

PV: Có ý kiến lo ngại rằng việc xóa nhà máy gạch thủ công nhưng lại cho phát triển các nhà máy gạch tuynel công suất lớn không giúp phát triển VLXKN, mà ngược lại. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Vụ trưởng Phạm Văn Bắc: Tôi phải nói rõ ràng lại rằng hiện nay Chính phủ khuyến khích phát triển VLXKN nhưng không cấm phát triển gạch nung. Việc xóa các lò gạch thủ công không phải để đầu tư nhà máy gạch tuynen. Mà việc phát triển nhà máy gạch nung tuynen tùy thuộc vào quy hoạch phát triển VLXD của từng địa phương, do UBND các cấp ban hành. Có những địa phương có thể đầu tư thêm nhà máy gạch tuynen nhưng cũng có những địa phương không đầu tư mới nữa.

Tôi khẳng định chủ trương xóa lò gạch thủ công là góp phần phát triển VLXKN. Hơn thế, việc phát triển gạch nung có thể hạn chế bằng cách tăng thuế sử dụng tài nguyên. Theo tôi, việc tăng thuế tài nguyên là điều cần thiết và phải triệt để thu thuế tài nguyên từ các nhà máy tuynen hiện có. Hiện nay, có tình trạng nhiều nơi không có quy hoạch về nguồn nguyên liệu. Nếu có quy hoạch nguồn nguyên liệu, có mỏ thì sẽ thu được thuế tài nguyên.

Bên cạnh đó, việc tăng phí về môi trường, tăng cường quản lý về môi trường cũng sẽ hạn chế được sự phát triển gạch đất sét nung.

PV: Vậy thưa ông, đến khi nào, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện và chính thức ban hành thông tư sửa đổi 09?

Vụ trưởng Phạm Văn Bắc: Vụ VLXD đã lấy ý kiến của các bộ ngành, tỉnh, TP cho dự thảo thông tư sửa đổi. Vụ cũng đã làm tiếp thu, giải trình và gửi sang Vụ Pháp chế để thẩm định. Sau khi thẩm định sẽ tiếp tục trình Bộ ban hành, dự kiến trong tháng 8/2017.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Vụ trưởng Vụ VLXD Phạm Văn Bắc, điều kiện cần và đủ để phát triển VLXKN là phải tuân theo cơ chế thị trường, phải tạo ra sản phẩm VLXKN có chất lượng, có giá thành hợp lý.

Về cơ chế chính sách, trên cơ sở chỉ đạo của TTCP, Bộ Xây dựng đang chủ trì và cùng với các bộ ngành, địa phương đánh giá lại việc triển khai cơ chế chính sách phát triển VLXKN. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng tổng hợp và đề xuất với Chính phủ các cơ chế chính sách hoàn thiện hơn, hoặc tăng thêm sức mạnh của cơ chế chính sách để thúc đẩy sự phát triển của VLXKN.

Quý Anh (thực hiện)

Sản phẩm mới

Cty TNHH Gạch Ống Không Nung Ngôi Sao Bình Dương
Địa chỉ: Cây Chàm, Phường Thạnh Phước, Thị Xã Tân Uyên, Tỉnh Bình Dương
MST: 1101 797 577 - SĐT: 0979 015 678 - Email: gachngoisao@gmail.com